Thị Trường Thông Tin Kinh Tế

Nhóm ngành kinh tế số tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021

4 phút, 45 giây để đọc.

Theo khảo sát mới đây tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam với tên gọi “Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới” diễn ra vào ngày 11/01/2021; nhóm ngành kinh tế số chiếm số lượng bình chọn cao nhất; dự báo có mức tăng trưởng mạnh nhất năm 2021 với tỷ lệ 37%.

Dư địa phát triển thương mại điện tử còn nhiều tiềm năng

Nhóm ngành kinh tế số tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2021

Tại Diễn đàn, ông Lê Anh Huy, Phó TGĐ Sendo chia sẻ, theo số liệu của Sendo, thị trường và báo cáo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, HCM và Hà Nội mặc dù chỉ chiếm 18% dân số nhưng lại mang về hơn 70% lượng giao dịch thương mại điện tử.

Điều này có nghĩa là dư địa phát triển ở khu vực khác vẫn còn lớn (nông thôn). Trong đại dịch Covid-19, Sendo cho thấy sức mua hàng hóa tiêu dùng của người Việt tăng mạnh; nhưng bên cạnh đó nhóm hàng giá trị cao như điện thoại di động, trang sức,… lại giảm cho thấy tác động thu nhập tới các nhóm hàng này.

Từ góc độ của các tổ chức nước ngoài, kỳ vọng tăng trưởng ở thương mại điện tử không thay đổi nhiều. Việc Chính phủ có Quyết định 749 đặt ra mục tiêu đảm bảo kinh tế số đạt 20% GDP năm 2025; điều này thể hiện niềm tin của Chính phủ với ngành kinh tế số.

Covid-19 chính là yếu tố đẩy mạnh chuyển đổi số ở Việt Nam. Về hệ sinh thái và chính sách phát triển, logistics là điểm quan trọng nhất của kinh tế số và là trở ngại cho thương mại điện tử. Nếu giải quyết được vấn đề này, thương mại điện tử sẽ rất phát triển.

“Kinh tế số ảnh hưởng đa dạng các ngành. Còn chứng khoán không phải là ngành, vì doanh nghiệp trong đủ ngành nghề cùng niêm yết. Tôi muốn nhấn mạnh yếu tố lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều tới suy nghĩ đầu tư”; ông Andy Ho – Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận đầu tư VinaCapital chia sẻ.

Xem thêm: Việt Nam đứng trước cơ hội tăng trưởng chưa từng có trong năm nay

Các Luật mới sẽ hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp ngành bất động sản

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, chia sẻ: Tỷ lệ giải thể của doanh nghiệp bất động sản cao nhất trong số lĩnh vực ngành nghề.

Bất động sản là lĩnh vực bị tác động lớn từ Covid-19; còn là hệ quả từ điểm nghẽn đầu tiên là từ thể chế pháp luật. Tháng 6/2020, chúng tôi đánh giá có sự thay đổi lớn trong công tác làm luật. Lần đầu tiên trong Luật Đầu tư ghi chữ “Chủ đầu tư”; trong Luật nhà ở có “đất ở hợp pháp 100%” thì nay là “đất ở hợp pháp và các loại đất khác”.

Điều này cho thấy các cơ quan Nhà nước có sự lắng nghe trong công tác làm luật. Năm tới, có nhiều quy định để hỗ trợ việc xây dựng nhà ở phân khúc bình dân, chung cư cũ… Các Luật mới có hiệu lực với hướng hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp; chúng tôi nhận định thị trường 2021 sẽ phục hồi và đã hồi phục từ tháng 8/2020.

Các thương hiệu cao cấp ngành dệt may sẽ hưởng lợi nhiều từ các hiệp định

Theo bà Trịnh Quỳnh Giao, Giám đốc đầu tư Coteccons: “Năm 2021, Chính phủ có một số Luật thay đổi, trong bất động sản có thay đổi một chút; Luật xây dựng sửa đổi chủ yếu là rút ngắn thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Đây là điểm rất tốt, kỳ vọng hỗ trợ bất động sản sau nửa cuối năm 2021 sẽ hồi phục trở lại”.

Với bất động sản khu công nghiệp, nhiều thông tin tích cực khi có làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam; và phòng chống dịch bệnh đã thu hút dòng vốn FDI. Nhưng từ góc độ nhà thầu ở một số dự án khu công nghiệp; dù đây là điểm sáng nhưng tốc độ chưa nhanh như mọi người nghĩ; do ảnh hưởng dịch Covid-19 hạn chế đi lại nên việc thực sự đầu tư và triển khai chưa nhanh như mong đợi.

Các thương hiệu cao cấp ngành dệt may sẽ hưởng lợi nhiều từ các hiệp định

“Năm 2021, tận dụng lợi thế cạnh tranh các hiệp định FTA; doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành nói riêng cần xác định rõ mục tiêu trong bối cảnh mới”; ông Nguyễn Trọng Phi – Ủy viên BCH LEFASO, Chủ tịch Giovanni Group, chia sẻ.

Ngoài ra, ngoài tiếp tục xuất khẩu như hiện nay, về gia công thì ta cần có thêm định hình; chuyển đổi mô hình từ sản xuất gia công sang xây dựng thương hiệu; để xuất khẩu được thông qua các hiệp định đã ký. Hưởng lợi từ nguyên phụ liệu từ việc giảm thuế thông qua các hiệp định. Đây là điều kiện để ta mạnh dạn chuyển đổi. Sang năm 2021, các hiệp định mang lại lợi thế cho ngành; các thương hiệu cao cấp sẽ hưởng lợi nhiều.

Doanh nghiệp cần có sự chuyển đổi, có mô hình quản trị kinh doanh linh hoạt; dễ thích ứng với các thay đổi, hội nhập. Sự thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng trong giai đoạn Covid-19 vừa qua và cần duy trì trong thời gian tới.

Nguồn: Vietstock

Tác giả: Hồng Phúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.